Đường Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do MrMisterer (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 07:23, ngày 10 tháng 9 năm 2022 (Đã lùi lại sửa đổi của Phonghd.online (Thảo luận) quay về phiên bản cuối của GiaTranBot). Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ vào tháng 2 năm 2020

Đường Nguyễn Huệ là một tuyến đường tại Quận 1, trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, chạy từ Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố đến Bến Bạch Đằng, bờ sông Sài Gòn.[1] Hiện nay chính giữa con đường này là một quảng trường đi bộ rộng 27 m được đưa vào sử dụng từ năm 2015, là quảng trường đi bộ đầu tiên của Việt Nam.[2][3]

Vị trí

Đường Nguyễn Huệ bắt đầu từ đường Lê Thánh Tôn ngay đối diện Trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cắt qua các con đường Lê Lợi, Nguyễn Thiệp, Tôn Thất Thiệp, Mạc Thị Bưởi, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Hải Triều và kết thúc tại đường Tôn Đức Thắng đối diện với công viên Bến Bạch Đằng.[1]

Lịch sử

Đường Charner và con kênh vào thập niên 1870

Đường này xưa là một con kênh có tên là Kinh Lớn (tiếng Pháp: Grand Canal) nối sông Sài Gòn với thành Bát Quái, tòa thành do Nguyễn Ánh xây dựng tại Gia Định năm 1790.[3] Người dân còn gọi kênh là kinh Chợ Vải do nơi đây tập trung buôn bán vải vóc. Khi quy hoạch lại đô thị, ban đầu người Pháp vẫn giữ lại kênh này, hai con đường cặp theo kênh được đặt là đường số 18. Đến tháng 2 năm 1865, một đường được đặt tên là Quai Charner và đường kia là Quai Rigault de Genouilly.[4] Chợ Bến Thành cũ do người Pháp xây dựng lúc bấy giờ cũng nằm bên con kênh này nên ghe tàu đi lại trên kênh rất tấp nập.[5]

Về sau, do kênh bị ô nhiễm nên một số cư dân đã đề nghị lấp lại. Việc này đã được Hội đồng thành phố Sài Gòn bấy giờ thảo luận trong một thời gian dài. Cuối thập niên 1860, chính quyền đã cho lấp đoạn trên của kênh (từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Mạc Thị Bưởi ngày nay), đến năm 1887 thì lấp toàn bộ và xây dựng thành đại lộ Charner; tuy nhiên cho đến thập niên 1930 người dân vẫn quen gọi là đường Kinh Lấp.[6] Từ năm 1926, ở giữa đại lộ có một dải phân cách trồng cỏ phân đại lộ làm hai, do thị trưởng Rouelle cho làm.[4] Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên đại lộ Charner thành đại lộ Nguyễn Huệ, tên gọi này được giữ nguyên cho đến ngày nay.[5][7]

Bản đồ Sài Gòn năm 1795 thể hiện Kinh Lớn nối từ sông Sài Gòn vào thành Bát Quái
Bản đồ Sài Gòn năm 1795 thể hiện Kinh Lớn nối từ sông Sài Gòn vào thành Bát Quái
Bản đồ Sài Gòn năm 1863 với hệ thống kênh thoát nước tại Sài Gòn, trong đó có Kinh Lớn
Bản đồ Sài Gòn năm 1863 với hệ thống kênh thoát nước tại Sài Gòn, trong đó có Kinh Lớn
Bản đồ Sài Gòn năm 1873. Kinh Lớn lúc này đã bị lấp đi một đoạn
Bản đồ Sài Gòn năm 1873. Kinh Lớn lúc này đã bị lấp đi một đoạn
Bản đồ Sài Gòn năm 1898 thể hiện đại lộ Charner
Bản đồ Sài Gòn năm 1898 thể hiện đại lộ Charner

Tình trạng tuyến đường

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ

Tháng 10 năm 2014, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đóng đường Nguyễn Huệ để thi công cải tạo thành phố đi bộ. Theo thiết kế, công trình có chiều dài 670 m từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng, với các hạng mục chính gồm: mặt đường và vỉa hè được nâng cấp, cải tạo, lát đá granite; hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, cấp điện, cây xanh và mảng xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng và chiếu sáng nghệ thuật...), đài phun nước; trung tâm ngầm điều khiển ánh sáng, nhạc nước, âm thanh, camera, nhà vệ sinh công cộng...[8][9] Phố đi bộ Nguyễn Huệ chính thức hoạt động từ ngày 29 tháng 4 năm 2015.[10][11]

Đường hoa Nguyễn Huệ

Một góc đường hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Thân 2016

Từ năm 1960, con đường này có chợ hoa xuân vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, là nơi tập trung mua bán hoa tết cây cảnh. Nhà vườn tập kết hoa ở Bến Bạch Đằng sau đó phân bổ vào từng ô đã quy định sẵn trên đường Nguyễn Huệ. Cho đến giữa thập niên 1990, đây vẫn là chợ hoa xuân chính của người dân thành phố. Tuy nhiên vào khoảng năm 2000, để lập lại trật tự an toàn giao thông, thành phố quyết định không tổ chức chợ hoa trên đại lộ Nguyễn Huệ và chuyển chợ hoa sang công viên 23 tháng 9. Năm 2004, thành phố khôi phục chợ hoa nhưng không còn chức năng mua bán mà thay vào đó con đường hoa được bày biện, sắp đặt công phu cho khách du xuân thưởng ngoạn. Cũng từ năm này, cứ đến dịp Tết đường hoa Nguyễn Huệ lại được mở đón khách với từng chủ đề, ý tưởng khác nhau.[3][12]

Chú thích

  1. ^ a b “Bản đồ thành phố”. Cổng thông tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.
  2. ^ “Người dân TP Hồ Chí Minh thích thú với đường đi bộ Nguyễn Huệ”. Báo Nhân Dân điện tử. 29 tháng 4 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.
  3. ^ a b c “Đường Nguyễn Huệ - dòng kênh thành quảng trường đi bộ đầu tiên”. vnexpress.net. 25 tháng 10 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.
  4. ^ a b Baudrit, André (1943). Guide historique des rues de Saigon. Saigon: S.I.L.I. tr. 147–148.
  5. ^ a b Trần Hữu Quang (2012). Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. tr. 37–39. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.
  6. ^ Vương Hồng Sển (1969). Sài Gòn năm xưa. Nhà sách Khai Trí. tr. 95–97. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.
  7. ^ Sài Gòn xưa & nay. Tạp chí xưa & nay. 2007. tr. 184. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.
  8. ^ “Đường Nguyễn Huệ sẽ thành quảng trường đi bộ”. vnexpress.net. 10 tháng 9 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.
  9. ^ “TP HCM: Đi lại thế nào khi nâng cấp đường Nguyễn Huệ?”. Báo Giao thông. 7 tháng 10 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.
  10. ^ “TP HCM chính thức đưa phố đi bộ Nguyễn Huệ vào hoạt động”. Báo điện tử VOV. 29 tháng 4 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.
  11. ^ “Phố đi bộ Nguyễn Huệ hút khách ngày đầu mở cửa”. tuoitre.vn. 29 tháng 4 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.
  12. ^ “Đường hoa Nguyễn Huệ, văn hóa Tết của Sài Gòn”. vnexpress.net. 31 tháng 1 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2022.

Xem thêm